Vắt Và Cách Chống Vắt
1. Vắt
Vắt là con vật giống như con giun nhỏ, dài 2-5cm, có giác bám ở đầu và đuôi. Chúng di chuyển bằng cách “co đi, co lại” thân mình với 33 đốt sống.
Vắt kém chịu lạnh, chỉ thích hợp ở nhiệt độ 24-280C. Khi hút máu, vắt bơm một chất chống đông máu là hirudin vào cơ thể con mồi và có thể hút một lượng máu lớn gấp… tám-mười lần trọng lượng cơ thể. Trung bình phải mất đến 20-60p vắt mới hút được no máu và nhả con mồi. Vắt bám vào da khá chặt, với lực hút của giác bám lên tới trung bình ~150-250gr, làm chúng ta khó mà vẩy nó ra khỏi tay.
Vắt thường đi tìm mồi từ 5-8 giờ sáng hoặc từ 17-19 giờ tối. Thường sau cơn mưa, vắt bủa ra rất nhiều tìm mồi vì nền nhiệt môi trường giảm, vắt dễ phát hiện con mồi máu nóng hơn. Vắt thường chọn nơi có nhiệt độ cao hơn trên cơ thể người như phần sau gối, đùi, bẹn, lưng, nách, cổ…để hút máu. Vắt có khả năng leo trèo trên giày, quần áo để tìm những nơi không bôi thuốc và nơi có thể chui vào cơ thể người. Nhiều bạn tôi nói vắt có thể nhảy từ trên cây xuống đầu. Nhiều lần tôi đã bị chúng bám được vào cổ mà không biết từ đâu (!)
Khi bám vào da vắt chưa cắn và hút máu ngay. Phải mất khoảng 1 phút chúng mới cắn được và sau khoảng 2-3p chúng mới hút được máu. Đa số trường hợp khi vắt bắt đầu cắn ta sẽ cảm thấy ngứa. Sau đó khi chúng tiết ra chất hirudin chống đông máu thì hầu như hết ngứa, chỉ còn lại cảm giác hơi gai. Nếu bạn bỏ qua giai đoạn ngứa (2-3 p đầu) mà không tìm bắt thì vắt sẽ bắt đầu hút máu. Ở giai đoạn này, bạn có bắt được vắt ra thì máu sẽ vẫn cứ chảy thêm 10-15p nữa.
Vắt tuy xấu xí nhưng có tác dụng chữa bệnh và được dùng để trị bệnh hơn 2000 năm. Các hoạt chất tiết ra từ vắt có nhiều tác dụng tốt cho hệ tuần hoàn. Vắt và đỉa chữa bệnh hiện tại được rao bán 8USD/con, chưa kể tiền gửi (!)
2. Chống vắt
Trên các trang web có rất nhiều biện pháp và thuốc chống vắt được đưa ra. Về thuốc chống vắt ta có khá nhiều: xà phòng, dầu khuynh diệp, muối, vôi, dấm, chanh, thuốc DEP, thuốc chống côn trùng chứa hoạt chất DEET (N,N Diethyl Tolumaide) vv… Ngoài thuốc ra, ta có biện pháp che kín thân thể bằng tất, trùm ngoài ống quần. Hoạt chất DEET chống vắt rất hiệu quả và được sử dụng làm thành phần chính trong nhiều loại thuốc chống văt. Nếu bạn thấy thành phần DEET trong thuốc khoảng từ 20-50% là ổn nhất. Có loại mạnh hơn, chứa đến 80% DEET thì chống vắt tốt, nhưng có thể làm hỏng đồ nhựa, cao su.
Rất nhiều bạn phàn nàn sử dụng một số thuốc chống vắt (DEP, kể cả DEET vv..) không hiệu quả. Tôi cho rằng đó là do nhiều bạn đã sử dụng thuốc chưa đúng cách. Quả thực là vắt đeo bám dai và có thể tìm đường vượt qua ‘hàng rào thuốc’. Tuy nhiên để chống vắt hiệu quả, các bạn cần lưu ý một số kỹ thuật sau:
- Bôi thuốc chống vắt bên trong: cả bàn chân cho đến gối (khi thời tiết khô), thậm chí cả phần đùi cho đến hông (khi có mưa), tai, cổ và vai, cánh tay, nách;
- Bôi thuốc chống vắt bên ngoài: các khe buộc giây, cổ giày, tất, phần ống quần, vai áo, mũ. Bên ngoài bạn có thể dùng xịt muỗi cho dễ thao tác.
- Cho ống quần vào trong tất. Bạn nên sử dụng loại quần vải 100% nylon mỏng, ít thấm, mau khô thì tôt hơn.
- Chú ý phát hiện những con vắt bò trên quần, áo để búng đi. Đó là những con nguy hiểm vì chúng sẽ chui vào người qua thắt lưng, nẹp áo của bạn.
- Khi phát hiện bị vắt cắn, nên loại bỏ nó càng sớm càng tốt.
CÔNG TY TNHH MTV ILACA.
Trụ sở: 08 Nguyễn Tri Phương, K.K1, P. Mỹ Bình, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận.
Số Điện Thoại: 19008991 – 0888.246.685 (Điều hành Tour)
Email: infoilacatravel@gmail.com
Website: https://ninhthuantravels.com/
Zalo:0888.246.685 (ILACA)