Geocaching là gì? Làm thế nào để bắt đầu trò chơi truy tìm kho báu thú vị khi đi hiking?

Bạn đang tìm kiếm các bài tập rèn luyện cả thể lực và trí óc? Hãy thử sức với Geocaching – trò chơi truy tìm kho báu mới lạ nhưng phát triển rất nhanh, có thể coi là trò chơi truy tìm kho báu thời hiện đại. 

Thay vì một tấm bản đồ nhàu nát được đánh dấu X chi chít, bạn có thể sử dụng một máy định vị GPS có thiết lập các tọa độ cũng như các gợi ý. Và thay vì tìm kiếm kho báu, bạn sẽ tìm kiếm một kho báu khiêm tốn hơn, ví dụ như bánh kẹo được giấu ở một nơi nào đó trên cây chứ không cần đào xuống mặt đất.  

Đôi nét về  Geocaching

“Kho báu” là gì? 

Kho báu (cache) hay vật cất giấu được giấu ở khắp mọi nơi trên thế giới bởi những người cùng chơi. Họ sẽ đặt vào những dụng cụ nhỏ, nhật ký hành trình, bút và có thể là máy ảnh dùng một lần. Những vật dụng này sẽ được nhét vào một cái hộp chống mưa gió và giấu dưới đá, trên cây hay thậm chí là ở một nơi nào đó trong thành phố. 

Đôi nét về  Geocaching
Đôi nét về  Geocaching

Tọa độ của các “kho báu” này – mà có thể chỉ to cỡ hộp đựng phim – sẽ được đưa lên mạng để những người truy tìm kho báu tìm kiếm, với trang web lớn nhất hiện nay là geocaching.com. Bạn có thể kiểm tra web để tìm kiếm các kho báu ở gần bạn, cập nhật trò chơi, hình ảnh và những thông tin liên quan được chia sẻ bởi những người cùng chơi khác. Một hệ thống 5 sao thường được sử dụng để đánh giá địa hình và mức độ khó dễ của từng kho báu.

Hướng dẫn cơ bản cho Geocaching

Mặc dù luôn được nâng cấp và cải tiến không ngừng, trò chơi này cũng có một số quy định cơ bản, bao gồm:

  • Không cất giấu kho báu trong các vùng đất tư mà không có sự cho phép, trong các công viên quốc gia hay khu vực hoang dã nói chung.
  • Không đi qua vùng đất tư để lấy kho báu khi chưa được sự cho phép
  • Không đựng đồ vật có tính xúc phạm hoặc khêu gợi phản cảm trong hộp kho báu.
  • Làm mọi thứ nhẹ nhàng và tuân thủ nguyên tắc “Không Để Lại Dấu”.

Tham khảo bài viết [Leave No Trace] 7 nguyên tắc Outdoor khi đi cắm trại, dã ngoại tại ILACA 

Những biến thể của trò chơi

Dựa trên nền tảng cơ bản của nó, các quy tắc của trò chơi liên tục thay đổi khi người chơi tạo ra những thay đổi mới:

  1. Đôi khi kho báu có kèm theo 1 thẻ hoặc đồng xu kim loại (travel bugs), được đánh dấu mã barcode hoặc mã theo dõi. Kết hợp với việc người tìm thấy báo thông tin lên mạng và đặt nó vào 1 kho báu mới, chủ nhân sẽ biết tấm thẻ hoặc đồng xu của mình đã “đi” được bao xa.
  2. Một số tọa độ chỉ có thể được thu thập thông qua việc giải mã mật mã.
  3. Một số gợi ý được mã hóa: Bạn có thể nhấp vào chúng để xem gợi ý hoặc tự thử thách mình bằng cách không cần giải mã.  
  4. Tại một thời điểm nào đó, các vật được giấu có thể là “ảo”, nhằm nhấn mạnh sự thú vị của quá trình chinh phục kho báu hơn là phần thưởng vào cuối trò chơi. Tuy nhiên việc này đã không còn được cho phép, và trào lưu Waymarking được sinh ra. Với Waywalking, bạn sẽ cố gắng tìm ra 1 địa điểm trên Trái đất, chứ không phải 1 kho báu. 

Bắt đầu chơi Geocaching!  

Với Geocaching, bạn sẽ không phải trả phí hay tham gia bất cứ câu lạc bộ nào. Chỉ đơn giản là đăng nhập vào trang geocaching.com để kết nối với 2 triệu người cùng chơi khác. Trò chơi không phân biệt giới tính, tuổi tác, khu vực địa lý hay thể chế chính trị. Các khu vực tìm kiếm được trải rộng từ dễ đến khó, và độ khó sẽ được thông báo cùng cạnh tọa độ của kho báu để dễ tiếp cận hơn. 

Geocaching là gì
Geocaching là gì

Thiết bị GPS là công cụ không thể thiếu trong Geocaching. Ngay cả những máy định vị cơ bản nhất cũng đủ để lần theo vị trí của kho báu. Nhưng để đến được địa điểm thực, bạn sẽ phải dùng tới bản đồ. GPS chỉ giúp định hướng và đo khoảng cách theo đường chim bay giữa bạn và kho báu. Còn trừ phi bạn tải sẵn bản đồ vào máy, thì chỉ có bản đồ mới cho bạn thấy được những lối đi ngoằn nghèo giữa vị trí của bạn và nơi cần đến. 

Geocaching cũng đòi hòi kỹ năng giải quyết vấn đề và các câu đố: bạn sẽ tìm kiếm và xác định các manh mối, học cách định vị và định hướng, và bạn sẽ nhận được những hướng dẫn liên quan khác đến trò chơi như là hộp thư. 

Quy tắc chơi Geocaching

Quy tắc số một của Geocaching là phải tuân thủ Quy tắc Vàng: đối xử với người cùng chơi như cách bạn muốn được đối đãi. Nếu bạn muốn tham gia trò chơi lâu dài hãy tuân thủ những nguyên tắc sau: 

  • Một kho báu nên được đặt ở nơi mà người qua đường không dễ nhìn thấy nhưng không gây tổn hại đến địa hình hay thực vật. 
  • Một chiếc hộp đựng kho báu nên được ngụy trang phù hợp với môi trường xung quanh và không tình cờ gây hại cho những người khác. 
  • Không để lộ chỗ cất giấu cho người khác. Khi bạn tìm thấy kho báu, nhanh chóng đưa nó ra một chỗ khác vắng người trước khi khám phá.
  • Tốt nhất, hãy đăng kí tài khoản để chủ kho báu cũng như những người cùng chơi biết về sự tham gia của bạn. Sau đó, vào trang geocaching.com để đánh dấu nếu bạn tìm ra một kho báu.
  • Luôn luôn trao đổi các món quà nhỏ, và tốt hơn hết hãy đóng góp vào kho báu để nó nhiều hơn trước khi bạn tìm thấy. 
  • Thẻ hoặc đồng xu theo dõi (travel bug hoặc hitchhiker) cần được xử lý theo cách khác. Bạn có thể mang chúng đi miễn là phải đảm bảo sẽ đặt chúng vào trong một hộp kho báu khác. Nhớ cập nhật vị trí mới trên web để chủ nhân có thể lần theo dấu vết của chúng.
  • Một khi bạn tìm thấy kho báu (cache), để nó lại nơi bạn tìm thấy nó. Đừng cố tình tìm một địa điểm cất giấu tốt hoặc khó hơn. 

Một tôn chỉ khác của trò chơi là CITO, viết tắt của “Cache in Trash out” (nơi nào có kho báu thì không có rác). Những người truy tìm kho báu luôn thu gom và xử lý rác dọc đường đi. Luôn luôn cố gắng để môi trường sạch sẽ nhất có thể, hoặc ít nhất sạch hơn lúc bạn đến. 

Cách chơi

Geocaching đơn giản là xác định vị trí của “kho báu” (cache) bằng các tọa độ được lưu trữ trong máy định vị GPS. Cách dễ nhất để đưa tọa độ những vật được giấu vào máy GPS của bạn là: 1) Ấn nút MARK, hay 2)  Mở một điểm mốc đã được lưu trữ trước đó, đổi tên, thay đổi tọa độ và lưu nó vào bộ nhớ máy định vị GPS. (Cách làm này sẽ tạo ra một điểm tham chiếu mới trong khi duy trì tọa độ cũ)

Những máy định vị GPS khác nhau sẽ có các cách khác nhau để mở những điểm mốc có sẵn hay thay đổi tọa độ của những địa điểm đó. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để thực hành từng bước.

Geocaching Cuộc Đua Săn Lùng Kho Báu
Geocaching Cuộc Đua Săn Lùng Kho Báu

Hệ thống tọa độ dễ sử dụng nhất khi nhập địa điểm chứa kho báu hay điểm mốc là sử dụng kinh vĩ độ truyền thống. Nó có thể được viết dưới dạng Độ/Phút/Giây (DMS) hay Độ thập phân (DDM). Loại thứ hai đã nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn trong Geocaching. Tuy nhiên, một hệ thống tọa độ khác là Universal Transverse Mercator – UTM cũng mang đến nhiều lợi ích. Được quân đội phát triển và là hệ thống bản đồ dễ đọc nhất, UTM chia bản đồ thành các lưới chiếu hình trụ ngang cách nhau 1000 mét. Điều này giúp dễ dàng nhìn và đánh giá khoảng cách. Hầu hết các bản đồ địa hình đều có các đường kẻ lưới UTM được in trên đó. 

Lưu ý: Tọa độ UTM bao gồm 14 chữ số, 7 số đầu là số gia về phía Đông (Easting) và 7 số sau là số gia về phía Bắc (Northing). Nếu coi chữ số thứ nhất của cả Hoàng độ và Tung độ đều là 0 thì một số phần mềm GPS (ví dụ như Garmin) sẽ yêu cầu bạn nhập số 0, trong khi các máy loại khác (như Megellan) đều không cần. 

Nhiều tọa độ còn được thể hiện cả trên vĩ độ/kinh độ (DDM) và hệ UTM. Tuy nhiên, nếu các tọa độ chỉ được thể hiện dưới một dạng thức, máy định vị GPS của bạn có thể chuyển đổi từ hệ tọa độ DDM sang UTM và ngươc lại. Do đó bạn có thể xác định vị trí bằng bất kì hệ thống nào mà bạn thích. Chuyển đổi từ hệ thống này sang hệ thống khác cực kỳ đơn giản: 1) Vào bảng chọn Thiết lập (SET UP); 2) ở bảng chọn phụ UNITS (Đơn vị) hãy thay đổi Định dạng tọa độ (Position Format) thành UTM hoặc LAT/LONG (Kinh độ/vĩ độ) tùy ý. Lần tới khi bạn mở điểm mốc ra, tọa độ của nó sẽ được chuyển đổi sang hệ mà bạn đã chọn. 

Để cụ thể hơn, giả sử rằng bạn thích sử dụng bản đồ với hệ quy chiếu UTM, nhưng kho báu bạn muốn tìm chỉ thể hiện dưới dạng vĩ độ/kinh độ.  Hãy làm theo các bước sau:

  • Thiết lập máy định vị GPS với Định dạng Vĩ độ/Kinh độ (Lat/Long Position Format) và ghi lại tọa độ địa điểm chứa kho báu, đặt tên và lưu nó lại. 
  • Cài đặt lại máy GPS với Định dạng vị trí UTM. Khi bạn mở lại một tọa độ mục tiêu, chúng sẽ hiện ra dưới UTM nên bạn sẽ có thể đánh dấu địa điểm trên bản đồ. 
  • Một khi bạn đã tới khu vực xung quanh kho báu và sẵn sàng bắt đầu cuộc tìm kiếm thực sự, mở điểm mốc lên và ấn nút “GO TO” để giúp bạn tinh chỉnh lại công cuộc tìm kiếm.  

Trang bị cần thiết khi chơi Geocaching

Một máy định vị GPS, bản độ địa hình và la bàn là những đồ dùng thiết yếu nhất để tham gia Geocaching. Nhưng để đảm bảo một chuyến đi an toàn, bạn nên đem theo những vật dụng sau (hoặc ít nhất là Bộ 10 trang thiết bị thiết yếu khi đi dã ngoại)

  • Đèn pin: Đừng nghĩ đi tìm kho báu sẽ nhanh chóng dễ dàng. Hãy chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp trời sẽ tối sớm hơn bạn nghĩ.  
  • Chai nước: Với những hoạt động ngoài trời, cung cấp đủ nước giúp cơ thể vận động tốt và trí tuệ minh mẫn. Vì thế, hãy nhớ mang theo một lượng nước cần thiết.
  • Điện thoại: Tìm kiếm kho báu một mình có thể được xem như là một sự nghỉ ngơi xa rời thế giới thực. Nhưng nếu bạn đi một mình, để lại thông báo cho người thân và mang điện thoại theo để liên lạc khi cần. 
  • Bộ sơ cứu: Hãy làm quen với địa hình trước khi bạn đi. Và balo của bạn cần phải có những vật đụng thiết yếu cũng như các món đồ đặc trưng với từng loại môi trường. 
  • Thuốc chống côn trùng và kem chống nắng: Bôi lên da trước khi bạn đi và nhớ đem theo để có thể dùng tiếp trên đường. Bạn cũng có thể cân nhắc đem theo quần áo chống côn trùng và chống nắng.
  • Pin dự phòng: Chú ý mang theo pin dự phòng cho mỗi thiết bị điện tử của bạn như máy GPS hoặc máy ảnh.
  • Máy ảnh: Một số hộp kho báu có thể chứa máy ảnh dùng một lần rẻ tiền. Mỗi người tìm thấy vật ẩn giấu đều chụp một bức ảnh để ghi lại thành công của họ. Người sử hữu kho báu sẽ nhận ra thời điểm bức ảnh lần cuối cùng được chụp và đưa hình ảnh lên mạng. Tại sao không nâng cao tinh thần của trò chơi và để lại một chiếc máy ảnh mới nếu máy ảnh cũ đã đầy bộ nhớ nhỉ?
  • Áo khoác ngoài: Luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng cho các trường hợp mưa, gió bất ngờ và các loài bọ. 
  • Cuốn sổ và 2 cây bút: Hãy tạo ra một nhật ký hành trình với tất cả những “kho báu” của bạn. Lưu lại các điểm mốc và tọa độ để tra cứu sau này. Ghi lại ấn tượng của bạn với một vùng đất. Nhớ đem theo một cây bút dự phòng, không phải chỉ cho bạn mà còn cho các kho báu có sẵn bút nhưng lại hết mực. 
  • Kho báu của chính mình: Hãy để lại 1 món đồ gì đó khi tìm thấy kho báu, vì chính bạn cũng muốn lấy 1 phần kho báu làm kỉ niệm mà, phải không? Hãy nghĩ đến các vật dụng nhỏ, nhẹ, rẻ tiền, thân thiện với môi trường và không bị phân hủy như ô tô đồ chơi, mô hình nhân vật bằng nhựa nhỏ hoặc các viên bi. 
  • Tiền mặt: Việc tìm kiếm kho báu sẽ không mất nhiều chi phí khi bạn có máy định vị GPS. Tuy nhiên hãy mang theo ít tiền bên người đề phòng những trường hợp khẩn cấp.

Lịch sử Geocaching

Tháng 5/2000 đánh dấu đánh dấu sự ra đời của trò chơi “truy tìm kho báu” sử dụng thiết bị GPS .Vào thời điểm đó, Oregonian Dave Ulmer đã gửi một lá thư điện tử mở trên nhóm tin tức khoa học USENET, kêu gọi hoạt động kỷ niệm ngày Chính phủ Mỹ gỡ bỏ Hệ thống định vị toàn cầu 

Trước đó, độ chính xác của các máy nhận tín hiệu GPS bị hạn chế do các tín hiệu vệ tinh bị hạn chế. Lý do đơn giản vì hệ thống định vị GPS ban đầu được Bộ Quốc phòng Mỹ phát triển. Trong một thế giới chính trị toàn hoạt động gián điệp thì giới hạn độ chính xác của GPS đối với những đối tượng tình nghi là cần thiết, tuy nhiên việc mở tín hiệu cũng có nhiều lợi ích và đáp ứng được đa số nhu cầu của dân chúng.

Bằng việc loại bỏ rào cản tín hiệu vào mùa Xuân năm 2000, từ một hệ thống vệ tinh không gian vốn chỉ xác định được một khu vực rộng như sân bóng đá, mọi người đã có thể xác định được vị trí một điểm với độ chính xác lên tới 2 – 3 mét. 

Trong vòng một tuần, Mike Teague đã nhanh chóng lập trang web đầu tiên chuyên tập hợp các tọa độ kho báu của trào lưu này. Một tuần sau, James Coburn đăng kí diễn đàn thảo luận điện tử đầu tiên, với tên gọi geostashing. Diễn đàn này vẫn được sử dụng đến tận ngày nay. Đến cuối tháng, cái tên  “geostashing” đã được thay bằng cái tên chính thức “geocaching” (truy tìm kho báu). 

Vào ngày 2/9/2000, Jeremy Irish đã đăng ký tên miền www.geocaching.com và đưa dữ liệu tọa độ kho báu được chuyển giao từ Teague lên trang web mới. Kể từ đó trang web này là nơi tiếp nhận niêm yết tọa độ của người chơi trên toàn cầu. Một vài web phổ biến khác như navicache.com, todayscacher.com và brillig.com/geocaching. Đây đều là những địa chỉ bạn có thể tìm kiếm tọa độ kho báu. Và chỉ 10 năm sau ngày Dave Ulmer khởi xướng, hơn 1 triệu kho báu đã được giấu quanh thế giới. Và danh sách đó vẫn tăng lên từng ngày. 

Kết luận

Với sức hấp dẫn, sự kết nối Internet toàn cầu và yêu cầu trang bị cực kì đơn giản, Geochaching là một hoạt động kết nối tuyệt vời kết nối tuyệt vời.

Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải theo kịp tốc độ thay đổi và những tiến bộ thay thế cho công nghệ lỗi thời, bởi vì bạn phải phụ thuộc vào các thiết bị điện tử. Ví dụ, liệu bạn có biết rằng hiện nay mọi tọa độ kho báu đều sử dụng dữ liệu trắc địa WGS84? Nhiều bản đồ vẫn sử dụng hệ thống trắc địa NAD27. Sự khác biệt giữa hai loại dữ liệu này có thể dẫn đến tọa độ sai và tìm kiếm thất bại. Hãy luôn kiểm tra rằng tọa độ bạn nhập vào GPS luôn dựa trên dữ liệu WGS84. 

Hãy chọn một vài cuốn sách nói về Geocaching một cách chi tiết. Tham gia các diễn đàn, hội nhóm đáng tin cậy, nơi bạn không chỉ tìm thấy sự khích lệ, phát triển được kỹ năng tìm kiếm của mình mà còn đóng góp được một vài ý tưởng của riêng mình. 

Hỏi đáp về trò Geocaching

Hỏi: Làm thế nào để tìm được một kho báu? 

Trả lời: Một phần kết quả trò chơi được quyết định bởi việc bạn tìm thấy chỗ giấu kho báu như thế nào. Bạn có thể biết tọa độ của nó, nhưng bạn phải nhìn vào bản đồ và tìm ra con đường nhanh nhất để đến. Một số kho báu thì rất rõ ràng, trong khi một số khác lại cực kì khó tìm.  

Hỏi: Truy tìm một kho báu có thể gặp khó khăn như thế nào? 

Trả lời: Có rất nhiều người sử dụng một hộp phim bé xíu để chứa kho báu. Cũng có nhiều kho báu được giấu như thể trêu ngươi bạn, khi bạn không thể tìm ra cách lấy được nó.Trên bản đồ bạn có thể thấy chúng rất rõ, nhưng để đến được đó là cả một vấn đề. Đôi khi bạn phải tìm ra đường mòn hoặc lối tắt để đến chỗ cất giấu. Rất nhiều kho báu được giấu giữa những khúc gỗ hay sau những đống đá. Hãy tưởng tượng chính bạn khi muốn giấu vật gì đó, bạn sẽ nghĩ về cách người khác tiếp cận nó và sẽ cố gắng giấu nó ở một chỗ không ngờ nhất.

Hỏi: Có những loại hộp chứa kho báu nào? 

Trả lời: Trong nhiều năm, người ta thường thích những hộp băng đạn có dán biểu tượng Geocache. Chúng chịu được ảnh hưởng của thời tiết, không bị phân hủy và có kích thước phù hợp. Nhưng Geocaching là một hoạt động bí mật, vậy nên những hộp chứa loại này có thể khiến người khác tò mò hoặc thậm chí hoảng sợ. 

Hỏi: Có bất kỳ lựa chọn nào khác không?

Trả lời: Mọi người thường sáng tạo với những hộp cất giấu của riêng họ. Các loại trái cây bằng nhựa rỗng khá được ưa chuộng. Tuy nhiên những ai tự làm vật cất giấu ở nhà thì phải cực kì cẩn thận. Ví dụ như bạn cố gắng ngụy trang hộp để không bị phát hiện ra quá dễ, tuy nhiên ai đó tình cờ trông thấy nó lại phát hoảng lên vì tưởng là một quả bom chẳng hạn.

Hỏi: Có phải hầu hết người tham gia (geocacher) đều có thể chơi theo cách của riêng mình? 

Trả lời: Có một số luật lệ và quy tắc cơ bản mà mọi người chơi cần tuân thủ sau đây: 

  • Giấu cách xa đường đi để người khác không vô tình trông thấy hoặc những người chơi không gây cản trở khi tìm kiếm. 
  • Giấu hôp nhưng không làm tổn hại đến môi trường, đặt hộp ở nơi mà mọi người có thể tìm kiếm mà không làm hại đến địa hình xung quanh. 
  • Ngụy trang nó sao cho hòa nhập với cảnh quan để nó không kinh động đến những người không tham gia. 
  • Khi tìm thấy kho báu, hãy đem nó đi xa khỏi địa điểm cất giấu để tránh làm lộ vị trí với những người khác. 
  • Giấu nó như cách bạn tìm thấy, đừng gây khó dễ cho những người sau. 
  • Thay thế vật bạn tìm được bằng những thứ bạn mang theo. 
  • Đăng nhập tài khoản và đưa thông tin lên mạng.

Hỏi: Những lưu ý nào cần nhớ trong trò chơi này? 

Trả lời: Mặc dù máy định vị GPS được sử dụng liên tục trong quá trình tìm kiếm, nó chỉ có thể đưa bạn đến khu vực gần kho báu mà thôi. Nếu nó thông báo bạn đang cách tọa độ kho báu chỉ 10 đến 20 bước chân thì đó là những gì bạn cần, bởi những người khác có thể sử dụng một máy định vị với độ chính xác 50 mét chẳng hạn. Đến lúc này hãy tự thân vận động. Đừng nhìn vào màn hình GPS nữa và bắt đầu tìm kiếm xung quanh. Hãy tự đặt câu hỏi: “Chỗ nào xung quanh đây có thể giấu được mọi thứ?” Một kho báu thông thường chỉ lớn cỡ hộp nhựa đựng thức ăn, vậy nên hãy cân nhắc các hốc cây hoặc góc khuất.

CÔNG TY TNHH MTV ILACA.

Trụ sở: 08 Nguyễn Tri Phương, K.K1, P. Mỹ Bình, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận.

Số Điện Thoại: 19008991 – 0888.246.685 (Điều hành Tour)

Email: infoilacatravel@gmail.com

Website: https://ninhthuantravels.com/

Zalo:0888.246.685 (ILACA)