Các sản phẩm du lịch biển, du lịch văn hóa, luôn được Ninh Thuận chú trọng gìn giữ, hoàn thiện, khai thác và kết nối với các đơn vị dịch vụ lữ hành để quảng bá, đưa du khách đến trải nghiệm, khám phá.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ: 

CÔNG TY TNHH MTV ILACA

  • Trụ sở: 08 Nguyễn Tri Phương, K.K1, P. Mỹ Bình, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận.
  • Số Điện Thoại: 19008991 – 0888.246.685 (Điều hành Tour)
  • Email: infoilacatravel@gmail.com
  • Website: https://ilaca.vn/
  • Zalo: 0888.246.685 (ILACA)

Nằm trong vùng du lịch Duyên hải Nam Trung Bộ, thực tế Ninh Thuận có nhiều tài nguyên du lịch khá tương đồng với các địa phương lân cận. Vì vậy việc xác định sản phẩm đặc thù, tập trung đầu tư, hoàn thiện để tạo sự khác biệt rõ nét, định vị thương hiệu gắn với hợp tác, liên kết cùng phát triển đang là hướng đi đúng đắn, cần thiết để du lịch Ninh Thuận từng bước bứt phá, tạo được dấu ấn riêng, định vị rõ thương hiệu trên bản đồ du lịch của cả nước.

1. Điểm nhấn từ du lịch biển, du lịch văn hóa

Nói đến Ninh Thuận là nói đến vùng đất gắn liền với cát, nắng nóng và sỏi đá, vẫn giữ nguyên nét đẹp nguyên sơ của kiến trúc tháp Chăm tiêu biểu, biển xanh cát trắng, nhiều loại cây trái đặc trưng của miền đất cát.

Đây còn là địa phương được bao bọc bởi 3 mặt núi, với 3 dạng địa hình: Núi, bán sơn địa và đồng bằng ven biển, với khí hậu nhiệt đới Xavan – bán sa thảo (đối nghịch với khí hậu nhiệt đới gió mùa) có nhiệt độ trung bình tất cả các tháng trong năm trên 18 độ C và thường có một mùa khô rõ rệt.

Do đó, các sản phẩm du lịch biển, du lịch văn hóa, luôn được Ninh Thuận chú trọng gìn giữ, hoàn thiện, khai thác và kết nối với các đơn vị dịch vụ lữ hành để quảng bá, đưa du khách đến trải nghiệm, khám phá.

Từ thành phố Phan Rang – Tháp Chàm theo tuyến đường ĐT702 với khung cảnh ven biển đẹp tựa bức tranh, chúng tôi đến Vườn quốc gia Núi Chúa (nằm trên địa bàn huyện Ninh Hải và huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận).

Vẻ đẹp nên thơ của vườn quốc gia Núi Chúa

Ngỡ ngàng, choáng ngợp trước vẻ đẹp của khu vườn quốc gia gồm cả rừng và biển, tổng diện tích hơn 31.000ha, nơi có hệ sinh thái rừng khô hạn độc đáo duy nhất ở Việt Nam, có quần thể rùa biển lên đẻ trứng mỗi năm và rạn san hô ven bờ lớn nhất nước ta, chúng tôi thoáng chút tiếc nuối khi biết rằng khoảng thời gian dự tính trong hành trình sẽ không thể đủ để khám phá trọn vẹn vẻ đẹp của vườn trong lần đến đầu tiên này.

Anh Nguyễn Minh Hoàng, cán bộ Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường (Vườn Quốc gia Núi Chúa) cho biết Vườn Quốc gia Núi Chúa nổi tiếng là nơi có hệ thống các bãi biển đẹp và hoang sơ nhất khu vực miền Trung hiện nay.

Các bãi biển Nước Ngọt, bãi Chuối, bãi Thùng, bãi Kênh… với những doi cát uốn lượn ôm sát vào chân núi, cát trắng, nắng vàng mang lại vẻ đẹp đặc biệt cho phong cảnh nơi đây.

Hàng chục km bờ biển kéo dài với diện tích rạn san hô ven bờ quy tụ khoảng 350 loài san hô cũng là điểm đến thu hút hàng trăm ngàn du khách tới trải nghiệm, khám phá mỗi năm.

Hiện nay, tại Vườn Quốc gia Núi Chúa có rất nhiều sản phẩm du lịch biển như khám phá Hang Rái – nơi còn được biết đến với một tên gọi khác là “Thác trên biển.”

Nơi đây có địa thế núi chắn sóng, đá chất chồng lên nhau tạo nên những hang động đẹp mắt và còn là khu vực sinh sống của loài rái cá. Đó cũng chính là cội nguồn ra đời tên gọi đặc biệt – Hang Rái. Núi ở đây không cao, hang không sâu, nhưng là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà nhiếp ảnh bởi vẻ đẹp ấn tượng giữa một bên là núi Chúa, một bên là biển xanh sóng vỗ với những đàn rái cá trên các mỏm đá.

Hang Rái

Tại Hang Rái, du khách không những được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, mà còn được dạo bước trên thềm san hô cổ hàng chục nghìn năm tuổi – nơi mà nhiều du khách đã gọi vui là hoang sơ, kỳ thú như đang lạc bước trên sao Hỏa.

Du khách cũng có thể vượt qua những triền đá nhấp nhô sóng vỗ rồi ngắm nhìn những cánh đồng xanh mát chen giữa núi và biển – một phong cảnh rất đặc sắc chỉ có thể tìm thấy tại nơi đây.

Đến Vườn Quốc gia Núi Chúa, du khách còn được khám phá công viên đá giữa vùng biển đầy nắng gió, là hiện tượng tự nhiên độc đáo, một cánh đồng chỉ toàn đá, những phiến đá qua hàng triệu năm phong hóa, bị cái nắng, cái gió của vùng đất này bào mòn bóc thành từng mảng tạo nên vô số hình thù kỳ dị, độc đáo…

Các sản phẩm du lịch được nhiều du khách lựa chọn là các loại hình thể thao biển như bơi cùng đàn cá đầy sắc màu hay chông chênh trên những con thuyền thúng hoặc ngồi trên thuyền chờ đợi những chú cá cắn câu. Du khách cũng có thể đi tàu đáy kính để ngắm san hô dưới đại dương hay chinh phục đỉnh núi cao, đi bộ qua rừng đặc dụng, quan sát động vật hoang dã.

Không chỉ có du lịch biển, du lịch Ninh Thuận còn có điểm nhấn khác biệt bởi những sản phẩm được khai thác từ giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc đang sinh sống ở các địa phương trong tỉnh.

Tháp Po Klong Garai ở thành phố Phan Rang – Tháp Chàm là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt, từ nhiều năm nay là điểm đến của đông đảo du khách khi muốn tìm hiểu về những nét văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận.

Được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV, xây từ loại gạch nung đến đỏ sẫm, dính lại với nhau bằng dầu rái, tháp Po Klong Garai là một quần thể gồm tháp Chính, tháp Lửa và tháp Cổng.

Nơi đây được xem là cụm tháp hùng vĩ và đẹp nhất trong những đền tháp của người Chăm còn tồn tại ở Việt Nam hiện nay, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa, tôn giáo của cộng đồng người Chăm, trong đó nổi bật là lễ hội Katê – Tết của người Chăm theo đạo Bàlamôn (diễn ra trong tháng 7 theo lịch của người Chăm tức là khoảng từ ngày 25/9 đến 25/10 dương lịch hằng năm) với nhiều nghi lễ thể hiện đặc trưng phong tục, tín ngưỡng của đồng bào Chăm.

Tháp Po Klong Garai

Ông Nguyễn Văn Linh, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Ninh Thuận, cho biết là điểm du lịch văn hóa, tín ngưỡng tâm linh, có những dịp tại di tích tháp Po Klong Garai, lượng du khách đến tham quan, chiêm bái lên tới 5.000 – 6.000 du khách/ngày.

Đến Khu di tích lịch sử văn hóa tháp tích tháp Po Klong Garai, du khách còn được xem nghệ nhân trình diễn nghề làm gốm, dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm, tham quan gian trưng bày các vật dụng gắn bó với với cuộc sống lao động – sản xuất của bà con như xe trâu, cối xay lúa và cả một số nhạc cụ truyền thống, trang phục của tu sỹ Chăm…

2. Đặc sắc du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng

Đặc trưng khí hậu nắng và gió đã mang đến cho vùng đất Ninh Thuận nhiều loại hoa trái ngọt lành như được chắt lọc từ những gì tinh túy, bền bỉ nhất của mảnh đất và con người nơi đây. Những vườn nho trái chín mọng, những khu đồi chăn thả cừu đã trở thành điểm đến được nhiều du khách yêu thích khi chọn hành trình du lịch Ninh Thuận.

Có dịp đến thăm vườn nho Lang Phượng của chị Nguyễn Thị Phượng ở ngay trên con đường ven biển ĐT702, thuộc thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, đi dưới những giàn nho xanh mát, được tự tay cắt hái nho, được chủ vườn mời thưởng thức những sản phẩm được chế biến từ trái nho như rượu vang, sirô, mật, ô mai, mứt… du khách sẽ có cảm giác thật đổi thư thái, bình yên.

Vườn nho của chị Phượng ở Thái An

Vừa sản xuất nông nghiệp vừa kết hợp làm du lịch, những người nông dân như chị Nguyễn Thị Phượng luôn niềm nở chào đón du khách đến vườn, hướng dẫn du khách cách cắt nho đẹp, gọn và cả cách chọn những góc vườn, những chùm nho đẹp nhất để có được những khung hình kỷ niệm đáng nhớ về chuyến trải nghiệm ấn tượng ở một vùng đất nhiều nắng và gió.

Cùng ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải còn có điểm du lịch cộng đồng tại thôn Cầu Gãy. Trong các cuộc kháng chiến chống giặc xâm lăng, nơi đây từng là căn cứ địa cách mạng. Giờ đây Cầu Gãy đã trở thành làng quê thanh bình có điểm du lịch cộng đồng được nhiều du khách biết tới, có cây cầu treo vắt mình giữa khe núi cheo leo rất ấn tượng ngay từ đường vào thôn hay con suối Lồ Ồ với dòng nước mát lành, trong vắt chảy qua.

Chị Cao Thị Thủy, người dân tộc Raglai là đại diện cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng ở thôn Cầu Gãy, chia sẻ du khách đến điểm du lịch cộng đồng rất thích thú khi được hướng dẫn cách xâu hạt, làm những chiếc vòng tay chuỗi đeo cổ hay chiếc móc khóa từ hạt cây bồ đề, hạt mắt mèo, hạt cam thảo… Đến đây du khách còn được tìm hiểu về đời sống và những nét văn hóa của đồng dân tộc Raglai ở Ninh Thuận.

Từ nhiều năm nay điểm du lịch cộng đồng thôn Cầu Gãy với điểm nhấn là cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng đã được nhiều công ty dịch vụ du lịch khảo sát, kết nối và đưa vào chương trình tour để phục vụ du khách – chị Trịnh Thanh Phương, cán bộ Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết.