Phú Quý hay còn gọi là cù lao Thu, cù lao Khoai Xứ là một đảo nhỏ nằm cách Phan Thiết, Bình Thuận khoảng 120km về phía đông nam. Ngoài đảo chính, quanh đảo Phú Quý còn Hòn Đá Cao, Hòn Đỏ, Hòn Tranh và Hòn Hải. Diện tích đảo Phú Quý chỉ hơn 18km2 nhưng có đủ cảnh đẹp, danh thắng, trải nghiệm… để du khách khám phá vài ngày.
Mục lục
1. Phú Quý mùa nào đẹp
Khí hậu trên đảo trong lành, mát mẻ quanh năm. Thời điểm thích hợp để khám phá đảo Phú Quý là từ khoảng tháng 12 đến tháng 6 năm sau, do mùa bão thường rơi vào tháng 9 đến tháng 11. Mùa xuân hè biển êm, trong xanh, gió nhẹ, dễ dàng di chuyển ra các đảo nhỏ. Tuy nhiên thỉnh thoảng sẽ có biển động, bạn nên xem dự báo thời tiết trước.
2. Di chuyển
Là huyện đảo xa nhất của tỉnh Bình Thuận, đảo Phú Quý có khung cảnh hoang sơ, tuyệt đẹp nhưng du lịch chưa thực sự phát triển. Hiện phương tiện duy nhất để lên đảo là đi tàu biển từ thành phố Phan Thiết, khoảng cách hơn 110 km.
Những tàu đi Phú Quý là Superdong-PQI, Superdong-PQII, Phú Quý Express, Phú Quý Island… Thông thường tàu xuất bến Phan Thiết vào khoảng 6h30 đến 7h30, tùy ngày sẽ có chuyến sớm hơn vào 5h30 hoặc muộn nhất 15h.
Thời gian di chuyển 2,5 đến 3,5 tiếng tùy loại tàu, bao gồm giường nằm và ghế ngồi, phòng quạt và phòng máy lạnh. Tàu cao tốc đi 2,5 tiếng có giá vé 350.000 đồng một người.
Trên đảo chưa có xe taxi, bạn có thể thuê xe máy ngay tại khách sạn để di chuyển. Đường sá trên đảo khá khang trang, có một trục đường chính nên rất dễ đi. Bạn cũng có thể bắt chuyện với người địa phương để hỏi đường, nếu cảm thấy “bế tắc”.
3. Nhà nghỉ, homestay
Đảo Phú Quý còn hoang sơ nên chưa có khách sạn hay resort, nhưng bạn có thể dễ dàng tìm nhà nghỉ và homestay. Bạn có thể tham khảo một số khách sạn bình dân như La Min, Hải Long, Hoàng Phú, Phương Quyên, An Bình, Hướng Dương hay nhà nghỉ Nam An, An Phú… Một số homestay như Phú Liên, Cô Sang, Villa Biển Xanh, LyTi Sea, La Isla Bonita… Giá trung bình 300.000 – 500.000 đồng một đêm cho phòng hai người.
4. Chơi đâu
Thông thường để khám phá hết huyện đảo phải cần đến 4 – 5 ngày. Nếu không muốn đi tàu ra các đảo nhỏ xung quanh, bạn có thể chọn hành trình 3 ngày 2 đêm, bao gồm hai ngày di chuyển và một ngày vui chơi, khám phá hết đảo lớn.
Vịnh Triều Dương
Men theo con đường lớn quanh đảo, điểm đến đầu tiên là vịnh Triều Dương, một bãi tắm nhỏ nước xanh và lặng bên bãi cát mịn trải dài. Nơi đây buổi chiều có đông người địa phương tắm biển. Tiếp đó, cột cờ chủ quyền là nơi hầu như du khách nào đến đảo cũng check-in.
Bãi Nhỏ
Đây là bãi tắm hình bán nguyệt, ôm vào lòng núi với màu nước xanh tự nhiên. Du khách chỉ cần dựng xe máy trên đường, rồi đi bộ men theo lối mòn xuống triền núi để đến bãi biển. Một số bãi tắm hấp dẫn khác là bãi Doi Dừa ở Ngũ Phụng, bãi tắm Công viên Uỷ ban Huyện.
Gành Hang
Cách bãi Nhỏ khoảng 650m, Gành Hang là vách đá lớn dựng đứng sát biển, nước biển tràn vào tạo thành “Khe Sung Sướng” và “Hồ bơi vô cực” tự nhiên thu hút nhiều du khách bơi lội. Bạn nên đem theo giày leo núi chắc chắn để đảm bảo an toàn. Khi chụp ảnh, lưu ý không nên ra gần rìa “hồ bơi vô cực” để tránh bị sóng kéo ra ngoài biển và nên đi cùng người địa phương.
Dốc phượt là cung đường tại 27 tháng 4, Xã Tam Thanh. Đi qua bạn sẽ thấy một bên là biển, một bên là núi, rừng phi lao Ảnh: Phạm Trang
Đỉnh Cao Cát
Đỉnh Cao Cát nằm ở phía bắc đảo Phú Quý, là một trong những ngọn núi cao nhất trên đảo, cao 106 m so với mặt nước biển. Tại đây có những vách đá hình dạng đặc biệt, có rãnh ngang do phong hoá, được ví như đại vực Grand Canyon, Mỹ. Trên đường lên đỉnh Cao Cát bạn có thể ghé thăm chùa Linh Sơn.
Đền thờ cá Ông Vạn An Thạnh
Vào năm 1941, xác của một con cá voi trôi dạt vào đảo Phú Quý, người dân đã phát hiện và mai táng trọng thể. Khi còn sống, con cá voi này có thể dài trên 20m và bạn có thể nhìn thấy bộ xương khi đến Vạn An Thạnh. Đến đây, bạn sẽ được nghe người dân kể về hiện tượng cá voi giúp đỡ tàu thuyền khi gặp giông bão ngoài khơi.
Hải đăng Phú Quý
Ngọn hải đăng nằm trên Núi Cấm cao hơn 100m so với mực nước biển. Từ đây bạn có thể phóng tầm mắt ra xa để ngắm nhìn phong cảnh nên thơ.
Đường lên hải đăng nằm cuối đường lên chùa Linh Bửu. Bạn có thể chạy xe máy lên đến chân núi. Nơi này mở cửa miễn phí, du khách có thể gửi khoản tiền nhỏ để hỗ trợ công tác trông coi, vệ sinh.
Đền thờ Công Chúa Bàn Tranh
Đền thờ do người Chăm xây dựng từ cuối thế kỷ 15. Tương truyền, công chúa Chiêm Thành không chịu bị ép duyên nên nhà vua thả xuống thuyền đày biệt xứ. Thuyền trôi đến đảo, bà quyết định ở lại khai khẩn lập nghiệp, giúp dân đánh đuổi giặc ngoại xâm. Khi mất bà được lập miếu thờ và cúng giỗ hàng năm, tôn xưng là Bà Chúa Xứ hoặc Bà Chúa Đảo.
Dinh Thầy Nại
Dinh mộ thờ thầy thuốc người Hoa có công lớn cứu chữa người dân từ thuở đảo còn nguyên sơ. Ông được tôn thờ như vị thần bảo hộ hòn đảo. Theo truyền thuyết, thầy Sài Nại là một thương gia người Hoa và có hiểu biết về các loại thuốc để chữa bệnh. Trong một lần sang Việt Nam buôn bán, thuyền của ông bị bão đẩy lên đảo Phú Quý. Ông bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp của đảo nên quyết định gắn bó suốt đời.
Sau khi mất, ông được nhân dân chôn cất và đắp nên khu dinh mộ vào năm 1665. Người dân đảo đều đến dinh cầu nguyện khi gặp khó khăn hay đi biển được mùa tôm cá. Hàng năm, Lễ cúng Thầy được tổ chức vào ngày 4/4 âm lịch với nhiều nghi thức truyền thống
Cánh đồng điện gió Phú Quý
Nơi đây chỉ có vài cột quạt gió, bạn nên chịu khó tìm các góc khác nhau để chụp hình đẹp hơn.
Chợ cá Long Hải
Buổi sáng, không khí ở chợ cá Long Hải tấp nập, những đoàn thuyền đánh cá liên tục cập bến. Bạn sẽ được thấy vô số hải sản quý hiếm, có những con ốc còn to hơn bàn tay và nặng trĩu. Giá hải sản ở chợ cá Long Hải khá rẻ và chất lượng không thể chê được.
Hồ cá Làng Dương
Người dân ghép đá xây bờ tường cao khoanh thành một hồ nuôi hải sản tự nhiên. Điểm đặc biệt là các khe lỗ tròn xếp đều nhau để nước biển tràn vào, nhưng cá tôm không thể thoát ra.
Thăm đảo
Ghé thăm Hòn Đen, Hòn Trứng, Hòn Giữa, Hòn Đỏ, Hòn Tranh. Chỉ khoảng 10 phút đi canô bạn đã có thể đi bộ dưới những tán cây và tìm hiểu cuộc sống ngư dân trên đảo, với nghề truyền thống lặn bắt tôm hùm.
Hòn Tranh và Hòn Đen được người địa phương đánh giá là đẹp và an toàn. Khách được cano đưa đón, câu cá, lặn ngắm san hô, dừng chụp ảnh “sống ảo”, lên nhà bè ăn trưa. Đặc biệt, những con cá bạn câu sẽ được hướng dẫn viên chế biến thành món sống ăn tại chỗ. Giá tour là 250.000 đồng một người, không bao gồm chi phí bữa trưa. Bạn có thể hỏi khách sạn để liên hệ với hướng dẫn viên địa phương và đặt cano.
Ngoài ra, bạn có thể đến Hòn Hải, tìm hiểu về nơi xuất phát của những con thuyền làm nghề câu cá mập nổi tiếng ở Phú Quý.
Lặn ngắm san hô
Bạn cũng có thể thuê thuyền lặn ngắm san hô nếu thích. Bên dưới làn nước trong xanh là những rạn san hô đủ màu sắc cùng nhiều đàn cá bơi lội sẽ khiến bạn thích thú.
5. Ăn uống
Ăn uống trên đảo rất rẻ. Bạn có thể ăn hải sản tại các làng bè. Món nhất định phải thử là cua huỳnh đế và cua mặt trăng. Muốn mua phải đặt trước, bạn có thể nhờ chủ khách sạn đặt giúp. Một đặc sản của Phú Quý là bò nóng, với một số địa chỉ tham khảo là quán Hòa Thượng, Ngọc Tình, Thanh Bình, Thu Viễn…
Nếu không ăn tại nhà hàng, bạn có thể dùng bữa tại các lồng bè như bè Đại Nam, Anh Sáng, Hải Thiện, Hải Phát, Ba Sinh… để thưởng thức hải sản tươi sống.
6. Lưu ý
Tàu biển ra vào đảo chạy theo lịch cố định trong từng tháng nên du khách nên đặt trước vì vé hết rất nhanh. Bạn có thể theo dõi thêm lịch tàu chạy tại trang thông tin của Sở Giao thông vận tải Bình Thuận ở phần thông báo.
Trung bình một ngày chỉ có 1-2 chuyến xuất phát mỗi chiều, nếu trễ giờ tàu chạy bạn sẽ phải đợi chuyến tiếp theo vào ngày hôm sau.
Theo những người lái tàu lâu năm, từ cảng Phan Thiết ra đảo Phú Quý được coi là cung đường biển khó nhất nhì trong cả nước. Đoạn đường có sóng ngang và nhiều xoáy, khiến tàu thuyền không thể xuôi dòng mà phải vượt sóng để đi. Do đó tàu thường rung lắc khiến cả những người khỏe mạnh cũng dễ say sóng, nhất là những ngày biển động.
Vì đường biển khó đi, nhân viên tàu sẽ phát sẵn túi nilon phòng khi say sóng trước khi khởi hành. Người có tiền sử hay bị say tàu xe hãy uống thuốc và chuẩn bị nhiều túi nilon.
Gió trên đảo rất mạnh, nên mặc trang phục gọn gàng và giữ chắc vật dụng cá nhân khi đi ra ngoài.
Nếu muốn cắm trại qua đêm, hãy nhờ chủ nhà nghỉ xin giấy phép trước để hoàn thành các thủ tục cư trú.
Đảo cho phép người nước ngoài ra thăm đảo, tuy nhiên hạn chế số lượng do đó thủ tục cấp phép khá lâu.
7. Chi phí tham khảo
Xe khách TP HCM – Phan Thiết: 150.000 – 250.000 đồng một người một chiều.
Vé tàu ra đảo: 250.000 đồng một người một chiều.
Thuê xe máy chạy trên đảo: 100.000 – 120.000 đồng mỗi ngày. Chỉ cần đổ xăng đầy bình một lần là đủ vi vu khắp đảo.
Chi phí lưu trú ở homestay, khách sạn: 100.000 – 300.000 đồng một phòng một đêm.
Ăn uống: 500.000 đồng cho ba ngày.
Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY TNHH TM&DV DU LỊCH PRAZ TRAVEL
Trụ sở: 242 Yên Ninh, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận
Số điện thoại: 0797 902 282 – 0888.246.685 (Điều hành Tour)
Email: saleninhthuantravel@gmail.com
Website: https://ilaca.vn/
Zalo: 0797.902.282 (Ninh Thuận Travel) – 0888.246.685