Mục lục
Bỏ túi kinh nghiệm du lịch An Giang tự túc, cùng ILACA khám phá “xứ mắm”
An Giang không chỉ có núi Bà Châu Đốc hay rừng tràm Trà Sư mà còn có chợ nổi, hồ Búng Bình Thiên, hay cánh đồng Tà Pạ đầy màu sắc. Cùng ILACA bỏ túi kinh nghiệm du lịch An Giang tự túc mới nhất và sẵn sàng khám phá xứ mắm nhé.
“Đất An Giang phù sa màu mỡ
Người An Giang muôn thuở hiền lành”
An Giang là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long và có dân số đông nhất vùng này. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái cho nhiều cảnh quan đẹp và đa dạng, từ rừng tràm, đồng ruộng bao la, đến núi non kỳ vĩ.
Tuy vậy, du lịch An Giang tự túc vẫn là một cụm từ xa lạ với các tín đồ du lịch, khi nhiều người chỉ biết đến An Giang qua chùa Bà Châu Đốc hay rừng tràm Trà Sư. Thật ra, An Giang là điểm đến hấp dẫn với nhiều điều chờ bạn khám phá, trải nghiệm.
Hãy cùng ILACA bỏ túi kinh nghiệm du lịch An Giang tự túc và tìm hiểu những hoạt động thú vị tại đây nhé!
1. Cách di chuyển đến An Giang
Tỉnh An Giang cách TP. HCM khoảng 231km, có diện tích tự nhiên khoảng hơn 3.500 km2 với 2 thành phố là Long Xuyên, Châu Đốc, 1 thị xã, và 8 huyện trực thuộc. Có nhiều cách di chuyển đến An Giang mà bạn có thể tham khảo:
1.1. Xe máy/ Thuê xe tự lái
Thời gian đi xe máy từ TP. HCM đến An Giang thường mất khoảng 5 tiếng tùy vào tốc độ và tình hình giao thông.
Bạn khởi hành từ hướng QL1A, lần lượt đi qua các tỉnh Long An và Tiền Giang. Đến cầu Mỹ Thuận, bạn rẽ vào QL80 đi Sa Đéc, Đồng Tháp, đi khoảng 35km sẽ thấy cầu Vàm Cống, tỉnh An Giang.
Nếu đi gia đình 4 người hoặc nhóm bạn nhỏ thì bạn có thể cân nhắc thuê xe tự lái trên MoMo để di chuyển thoải mái hơn.
1.2. Xe khách
Có rất nhiều nhà xe khai thác chuyến TP. HCM – An Giang. Bạn có thể đặt vé xe khách trên tính năng Du lịch – Đi lại của MoMo để nhận nhiều ưu đãi, thanh toán nhanh chóng.
Một số nhà xe nổi tiếng để bạn tham khảo: Phương Trang, Huệ Nghĩa, Hùng Cường, Hiếu Trung Limousine…
Theo kinh nghiệm du lịch An Giang tự túc của MoMo, thời gian di chuyển là khoảng 5-6 tiếng, giá vé khởi điểm từ 180.000 VNĐ/vé.
1.3. Máy bay
Nếu xuất phát từ miền Trung hoặc miền Bắc, bạn nên bay đến sân bay Cần Thơ rồi tiếp tục đi xe khách từ Cần Thơ đến An Giang. Vé máy bay đi Cần Thơ xuất phát từ Đà Nẵng có giá khởi điểm từ 800.000 VNĐ/vé, vé xuất phát từ Hà Nội có giá từ 1.300.000 VNĐ/vé. Xe khách đi từ Cần Thơ đến An Giang có giá khởi điểm từ 75.000 VNĐ/vé.
Siêu ứng dụng ILACA luôn sẵn sàng nhiều lựa chọn chuyến hay và hãng bay tại tính năng đặt vé máy bay, đồng hành cùng bạn trên mọi chuyến đi.
2. Khách sạn An Giang
Hiện nay, An Giang chỉ có một vài khách sạn cao cấp. Hình thức lưu trú phổ biến nhất vẫn là khách sạn bình dân, nhà nghỉ, và homestay với đầy đủ tiện nghi và kiến trúc hiện đại.
Bạn có thể tham khảo một vài khách sạn nổi bật để nghỉ ngơi khi du lịch An Giang:
- Victoria Châu Đốc: Từ 2.000.000 VNĐ/phòng/đêm.
- Victoria Núi Sam Lodge: Từ 1.300.000 VNĐ/phòng/đêm.
- Luxe Hotels: Từ 700.000 VNĐ/phòng/đêm.
- Đồng Xanh Hotel: Từ 350.000 VNĐ/phòng/đêm.
3. Địa điểm du lịch An Giang
3.1. Rừng tràm Trà Sư
Rừng tràm Trà Sư là một trong những rừng tràm lớn và đẹp nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Với diện tích 845 ha, đây là nơi sinh sống của nhiều loài động vật, bao gồm các loài chim và thú quý hiếm như điên điển phương Đông, giang sen, dơi chó tai ngắn.
Đến rừng tràm Trà Sư, bạn sẽ đi tắc ráng (thuyền hoặc xuồng, ghe nhỏ làm bằng gỗ hình thoi, có gắn thêm máy) và xuồng ba lá để tham quan. Chiếc xuồng sẽ lướt đi trên mặt nước phủ đầy bèo xanh, xung quanh là những cây tràm trên 10 tuổi, cao từ 5-8m phủ bóng mát.
Thời điểm lý tưởng nhất để thăm rừng tràm là vào mùa nước nổi (từ tháng 9 đến tháng 11). Nếu đi vào sáng sớm hoặc xế chiều, bạn sẽ được chứng kiến khung cảnh độc đáo của những đàn chim bay về tổ.
Rừng tràm Trà Sư chính là địa điểm du lịch An Giang hàng đầu, giúp bạn có những phút giây hòa mình với thiên nhiên và hệ sinh thái độc đáo của vùng đất ngập nước.
3.2. Chợ nổi Long Xuyên
Nằm ở trung tâm thành phố Long Xuyên, chợ nổi Long Xuyên bắt đầu từ phà Ô Môi và chạy dài 2km theo bờ sông Hậu. Vẫn chưa bị thương mại hóa du lịch, chợ nổi Long Xuyên vẫn giữ được nếp sinh hoạt xưa, bình dị và chân chất.
Bạn nên xuất phát từ 5:00 sáng để vừa ngắm bình minh, vừa cảm nhận được không khí rộn ràng của chợ nổi.
Một trong những hoạt động thú vị tại đây là dùng bữa sáng trên thuyền. Bạn có thể gọi bún, phở, hủ tiếu từ các cô, dì bán đồ ăn sáng ngay trên thuyền. Bên cạnh đó còn có thuyền bán nước, quà vặt, và không thể thiếu các thuyền trái cây, đặc sản.
3.3. Hồ Ô Thum
Hồ Ô Thum ở huyện Tri Tôn là một hồ nước nhân tạo, diện tích không lớn nhưng có cảnh quan thiên nhiên đẹp, không khí trong lành nên trở thành điểm nghỉ chân được yêu thích trong các kinh nghiệm du lịch An Giang.
Xung quanh hồ Ô Thum là những cây thốt nốt, xa xa là núi Cô Tô và đồi Tức Dụp, tạo nên khung cảnh sông núi hữu tình phủ màu xanh của cây lá. Đến đây, bạn có thể chèo thuyền vãn cảnh hồ, chụp hình check-in tại cây cầu nổi giữa bờ hồ và gò đất cao giữa hồ, và thưởng thức món gà nướng lá chúc đặc sản.
3.4. Chợ Châu Đốc
Nếu An Giang được biết đến như “vương quốc mắm” thì chợ Châu Đốc chính là “thủ phủ mắm”. Nằm trên đường Bạch Đằng tại trung tâm thành phố Châu Đốc, chợ bày bán khoảng 30 loại mắm, khô truyền thống như mắm cá lóc, cá linh, cá trèn, cá sặc… nên còn có tên chợ mắm.
Là chợ đầu mối về mắm và các loại khô lớn nhất miền Tây Nam Bộ, mỗi năm, chợ mắm Châu Đốc bán hàng nghìn tấn mắm và khô cho người tiêu dùng trong nước lẫn các nước lân cận như Lào, Campuchia.
Giá mắm ở đây rẻ hơn các nơi khác, bạn có thể mua mắm về để chưng, nấu mắm kho, làm bún hoặc lẩu đều rất ngon. Đừng quên ghé qua khu ẩm thực của chợ để thưởng thức các món bún cá, bún mắm, nước thốt nốt, bánh bò, mứt cà na đặc sản của Châu Đốc, An Giang.
3.5. Búng Bình Thiên
Búng Bình Thiên có nghĩa là hồ nước yên bình do trời ban. Theo tiếng địa phương, “búng” nghĩa là hồ, đầm; “bình” trong bình yên; “thiên” là trời. Búng Bình Thiên là hồ nước ngọt lớn nhất Tây Nam Bộ, một địa điểm du lịch An Giang ấn tượng mà bạn nên ghé một lần.
Điểm ấn tượng của Búng Bình Thiên chính là mặt nước trong xanh, êm ả mọi lúc, dù là mùa nước nổi khi có dòng nước đục đầy phù sa tràn về. Hãy đến Búng Bình Thiên mùa nước nổi để ngắm bông điên điển, lục bình phủ khắp, rải rác giữa mặt hồ là những nhà bè, lồng cá đặc trưng.
3.6. Làng người Chăm
Du lịch An Giang không chỉ có cảnh quan thiên nhiên, ẩm thực phong phú mà còn có văn hóa đa dạng. An Giang là một trong những địa phương có cộng đồng người Chăm đông nhất Việt Nam.
Người Chăm ở An Giang đa số theo đạo Hồi nên còn được gọi là Chăm Islam. Bạn có thể đến thăm làng người Chăm ở hồ Búng Bình Thiên hay làng Chăm Châu Giang để tìm hiểu về văn hóa của cộng đồng này.
Các thánh đường và tiểu thánh đường với tháp tròn, cổng vòng cung, tông màu trắng chủ đạo đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm ở An Giang.
Bạn cũng có thể tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm truyền thống với những miếng vải, khăn choàng có hoa văn độc đáo, phản ánh văn hóa, lịch sử của vùng đất này.
3.7. Cánh đồng Tà Pạ
Cánh đồng Tà Pạ nằm dưới chân núi Cô Tô và núi Tà Pạ, cách thị trấn Tri Tôn khoảng 1km. Các tín đồ du lịch thường chọn trekking núi Tô, đến điểm cao Vồ Hội để ngắm cánh đồng Tà Pạ từ trên cao.
Vào khoảng cuối tháng 11 đến tuần đầu tháng 12, cánh đồng Tà Pạ vào mùa lúa chín. Lúa thường chín không đều, cách nhau vài ngày hoặc vài tuần nên người dân Khmer ở đây thường thu hoạch theo kiểu vần công. Mọi người sẽ cùng tập trung thu hoạch theo từng thửa ruộng, nhà này phụ nhà kia, tính theo ngày công chứ không trả lương, vừa tình cảm lại vừa hăng say hơn.
Nhìn trên cao, hàng chục thửa ruộng nằm san sát, mỗi thửa mang một màu sắc khác nhau. Đó là màu vàng của lúa chín, màu xanh của lúa đang ngậm đồng, hay màu nâu của gốc rạ, những cụm thốt nốt xanh sẫm nằm xen kẽ giữa các thửa ruộng tạo nên khung cảnh đầy màu sắc.
4. Món ngon An Giang
4.1. Bún cá Châu Đốc
Ở miền Tây, nhiều món bún cá có nguồn gốc từ Campuchia. Trong khi nhiều loại bún đã được biến tấu theo khẩu vị địa phương thì bún cá Châu Đốc vẫn giữ được hương vị gần như nguyên bản.
Nước lèo của bún cá Châu Đốc được ninh từ xương ống, nêm với mắm cá linh và mắm ruốc; thêm ngải bún, nghệ giã nát. Cá lóc được làm sạch, luộc sơ với sả và củ nghệ đập dập, sau đó vớt ra, gỡ xương, ướp gia vị rồi xào với nghệ.
Bún cá Châu Đốc thơm mùi cá và nghệ, dùng chung với thịt heo quay, đầu cá, các loại rau sống đặc trưng của miền Tây như bông điên điển, bông súng, rau đắng, rau nhút, bắp chuối hột.
- Bún cá bà Lệ: Đường Bạch Đằng, phường Châu Phú A, Châu Đốc, An Giang (ở góc chợ Châu Đốc, sau Đình Châu Phú).
- Bún cá bé Hai: Đầu đường Chi Lăng, phường Châu Phú A, Châu Đốc, An Giang.
- Bún cá Vân: 105 Phan Đình Phùng, phường Châu Phú B, Châu Đốc, An Giang.
4.2. Cháo bò Tri Tôn
Cháo bò Tri Tôn là món cháo lỏng, dùng chung với thịt bò vùng Bảy Núi thơm, mềm, lòng bò gồm thú linh, lá sách, gan, phèo, tủy… được làm sạch, không tanh. Một tô cháo bò Tri Tôn gồm cháo, giá sống, thịt bò, lòng bò, cùng ít ngò gai cắt nhỏ.
Cháo bò Tri Tôn thường được dùng chung với rau om, húng quế, một ít nước trái chúc (một loại trái giống trái chanh nhưng vỏ xù xì hơn, có vị chua thanh). Một số thực khách ăn mạnh còn gọi thêm bún tươi hoặc bánh mì để ăn cùng cháo bò cho chắc bụng.
- Cháo bò Thủy Đen: Đường 948, xã Châu Lăng, thị trấn Tri Tôn, An Giang (gần cầu Cây Me).
4.3. Cơm tấm Long Xuyên
Những tưởng cơm tấm là đặc sản Sài Gòn, nhưng Long Xuyên, An Giang lại có cách biến tấu món ăn này theo cách của mình. Điểm khác biệt đầu tiên là hạt cơm. Cơm tấm Long Xuyên nấu từ gạo tấm nhuyễn, hạt cơm khi chín chỉ nhỏ bằng một nửa hạt tấm thường.
Điểm khác tiếp theo là các món ăn kèm đa dạng hơn, đặc biệt là đều được cắt sợi nhỏ để dễ ăn. Sườn nướng, bì, thịt kho trứng, heo quay… cắt sợi nhỏ là những món ăn kèm phổ biến của cơm tấm Long Xuyên.
- Cơm tấm Cây Điệp: 67 đường Lý Tự Trọng, phường Mỹ Long, Long Xuyên, An Giang.
- Cơm tấm cô Tư: 23 đường Phan Đình Phùng, phường Mỹ Long, Long Xuyên, An Giang.
- Cơm tấm Ống Khói (Tám Diệu): 200 đường Đặng Dung, phường Mỹ Long, Long Xuyên, An Giang.
Du lịch An Giang mang đến nhiều trải nghiệm đa dạng từ cảnh quan thiên nhiên, ẩm thực phong phú cho đến văn hóa lâu đời. Vì vậy, dù chưa được khai thác du lịch rầm rộ nhưng An Giang vẫn có những nét thu hút rất riêng đang chờ những tín đồ du lịch tìm hiểu. Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ có cái nhìn tổng quan hơn về An Giang cũng như bỏ túi một vài kinh nghiệm du lịch hữu ích. Hẹn gặp bạn ở An Giang nhé!
CÔNG TY TNHH & MTV ILACA.
Trụ sở: 08 Nguyễn Tri Phương, KP.1, P. Mỹ Bình, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận.
MST/GPKD: 4500667920
Số Điện Thoại: 0888246885 (Điều hành Tour) – 079 79 022 82 (Ms Hằng)
Email: truyenthongcmc@gmail.com
Website: https://ilaca.vn/ Zalo: 0888246685