Những năm qua, nhờ khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng đất “Hội tụ những giá trị khác biệt”; đặc biệt là Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Quyết định số 555/QĐ-UBND ngày 3/10/2021 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã tác động tích cực, tạo điểm nhấn đưa ngành Du lịch của tỉnh phát triển mạnh mẽ.

1. Điểm sáng của ngành công nghiệp không khói

Gần 3 năm qua, mặc dù bối cảnh nền kinh tế trong nước còn khó khăn nhưng ngành Du lịch tỉnh Ninh Thuận vẫn có nhiều thuận lợi phát triển, lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng ngày càng tăng. Nhiều điểm đến vui chơi, giải trí tại tỉnh được du khách yêu thích bởi vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, của biển xanh, cát trắng, nắng vàng, của những danh thắng độc đáo, nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc trong tỉnh…

Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, dựa trên thế mạnh về tiềm năng, lợi thế đó, tỉnh đã tập trung ưu tiên xây dựng, phát triển một số sản phẩm du lịch nổi trội, độc đáo, có lợi thế cạnh tranh mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho du khách như: du lịch nghỉ dưỡng biển gắn với các khu resort cao cấp, sang trọng, chất lượng cao; du lịch văn hóa gắn với di sản văn hóa Chăm; du lịch cộng đồng; du lịch nông nghiệp công nghệ cao; du lịch sinh thái gắn với khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa…

Vịnh Vĩnh Hy, huyện Ninh Hải

Đặc biệt, chất lượng và tính cạnh tranh của du lịch đang ngày càng nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Thực tiễn chứng minh, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền và các thành phần kinh tế đã dành sự quan tâm rất lớn cho đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, cơ bản đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, thưởng ngoạn của du khách trong và ngoài nước. Các trung tâm mua sắm, vui chơi, giải trí đã được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ, tập trung tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, các đô thị trung tâm huyện lỵ ngày càng khang trang, sạch đẹp, phát triển theo quy hoạch và có tính chiến lược. Nhiều thiết chế văn hóa lớn hoàn thành đưa vào sử dụng tạo điểm nhấn quan trọng để tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội gắn với hoạt động quảng bá và phát triển du lịch của tỉnh. Một số làng nghề truyền thống được khôi phục, phát triển; hầu hết di tích lịch sử văn hóa được trùng tu, tôn tạo; các khu du lịch, cơ sở lưu trú đang từng bước hình thành và phát triển.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 56 dự án du lịch đã được cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với vốn đăng ký trên 52.469 tỷ đồng; trong đó có 26 dự án đã đưa vào hoạt động với vốn đăng ký gần 4.000 tỷ đồng; 20 dự án đang triển khai thi công với vốn đăng ký trên 41.800 tỷ đồng và 10 dự án đang hoàn tất thủ tục pháp lý liên quan để thi công với tổng vốn đăng ký 6.669 tỷ đồng. Tỉnh cũng có 8 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành; 52 hướng dẫn viên du lịch; 212 cơ sở lưu trú với trên 4.686 phòng; trong đó số phòng có chất lượng đạt tiêu chuẩn tương đương 3 sao trở lên chiếm trên 50%.

Việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, thu hút đầu tư… đã đưa hoạt động du lịch tại tỉnh ngày càng khởi sắc. Giai đoạn 2021 – 2023, tổng lượt khách đến Ninh Thuận đạt 6.440.000 lượt, tốc độ tăng bình quân 31,9%; tổng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 4.867 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng tại tỉnh ước đạt gần 2 triệu lượt, tăng trên 15% so cùng kỳ, đạt trên 61% so với kế hoạch; thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 2.242 tỷ đồng.

Thực tế trên cho thấy, chất lượng du lịch của Ninh Thuận đang ngày một khởi sắc hơn, chuyển hướng theo chiều sâu, phù hợp với định hướng, mục tiêu Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy và Quyết định số 555/QĐ-UBND của UBND tỉnh đề ra, đó là “Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế trụ cột và là ngành kinh tế tổng hợp tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác”.

2. Tạo động lực bứt phá

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên, trước mắt UBND tỉnh sẽ cụ thể hóa các chủ trương, chính sách liên quan phát triển du lịch như: Luật Du lịch; Nghị quyết của Tỉnh ủy; Nghị quyết của HĐND tỉnh… thành các chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp thực tiễn của từng địa phương để kịp thời triển khai thực hiện hoạt động phát triển du lịch đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

Du khách vui chơi tại vịnh Vĩnh Hy

Du khách vui chơi, tắm biển tại vịnh Vĩnh Hy, huyện Ninh Hải. Ảnh: Công Thử – TTXVN

Tỉnh cũng sẽ tập trung rà soát quy hoạch các khu, điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng gắn với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; hoàn thiện phê duyệt, thực hiện có hiệu quả các khu du lịch: Khu du lịch Vịnh Vĩnh Hy; Khu du lịch Quốc gia Ninh Chữ; Khu du lịch ven biển phía Nam; Phân Khu du lịch bãi biển Bình Sơn – Ninh Chữ; Quy hoạch chung xây dựng đô thị Cà Ná… Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan xây dựng và hoàn thiện Đề án tổng thể phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong khu bảo tồn biển của Vườn Quốc gia Núi chúa, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bên cạnh đó, Ninh Thuận sẽ lập đề án quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt tháp Hòa Lai và tháp Po Klong Garai gắn với phát triển du lịch tỉnh; đồng thời tiếp tục kiến nghị bố trí và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo các di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu và di tích quốc gia đặc biệt tại tỉnh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo, gắn với phát triển du lịch bền vững.

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng; đôn đốc các dự án như: Khu du lịch Hoàn Cầu; Khu du lịch sinh thái Bãi Hõm; Khu du lịch Cap Padaran Mũi Dinh; Resort Spa Nho; Khu du lịch Bình Tiên… nhằm sớm đưa vào hoạt động, góp phần làm phong phú, đa dạng thêm các loại dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu lưu trú, vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm của du khách. Tỉnh cũng thường xuyên kiểm tra, rà soát, kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án chậm tiến độ, sử dụng đất sai mục đích gây lãng phí tài nguyên du lịch.

Ông Nguyễn Long Biên cho hay, để thuận tiện cho du khách đến du lịch, tỉnh đang đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các hãng hàng không; các tỉnh, thành phố như: Thành phố Hồ Chí Minh; thành phố Hà Nội; các tỉnh Duyên hải miền Trung; Đông Nam Bộ; các tỉnh Tây Nguyên… để xây dựng các chương trình, tour, tuyến du lịch hấp dẫn thu hút du khách; tiếp tục phát triển thị trường quốc tế truyền thống là thị trường Nga và Đông Âu; hướng tới những đối tượng khách cao cấp của các thị trường sẵn có, phát triển các thị trường mới ở khu vực Đông Nam Á, Australia, Tây Âu, Bắc Mỹ theo các sản phẩm du lịch mới lạ, sản phẩm được nâng cao chất lượng; đồng thời chú trọng thu hút thị trường khách nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch golf…

Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, dịch vụ du lịch, quản lý giá cả; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngành Du lịch; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực bổ trợ cho du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng; từng bước chuẩn hóa chương trình đào tạo tại các cơ sở đào tạo các ngành theo hướng đa dạng như: đào tạo ngắn hạn; đào tạo dài hạn; đào tạo chuyên sâu về du lịch phù hợp với điều kiện, khả năng của doanh nghiệp và yêu cầu thực tế của xã hội.

Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch xây dựng các sản phẩm mới, hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao; khảo sát, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng các sản phẩm đặc thù phục vụ du lịch, quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh, nhằm phát huy hết sự đa dạng cũng như thế mạnh về sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, dã ngoại, kết hợp sự đa dạng giữa du lịch cộng đồng, du lịch gắn với nông nghiệp nông thôn; đặc biệt là khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, tạo sản phẩm mang tính đặc thù riêng của Ninh Thuận.

Nguồn: dantocmiennui

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ: 

CÔNG TY TNHH MTV ILACA

  • Trụ sở: 08 Nguyễn Tri Phương, K.K1, P. Mỹ Bình, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận.
  • Số điện thoại: 19008991 – 0888.246.685 (Điều hành Tour)
  • Email: infoilacatravel@gmail.com
  • Website: https://ilaca.vn/
  • Zalo:0888.246.685 (ILACA)