Chùa Tây An Núi Sam (Tây An Cổ Tự) và lối kiến trúc độc đáo

Chùa Tây An Núi Sam (Tây An Cổ Tự) mang trên mình không khí linh thiêng và tĩnh lặng. Chùa nằm dưới chân núi Sam, thuộc phái Bắc Tông với lối kiến trúc đan xen độc đáo giữa Việt Nam và Ấn Độ. Vì thế, nếu có dịp du lịch An Giang thì bạn đừng bỏ qua cơ hội vãng cảnh ngôi chùa ấn tượng này nhé.

Địa chỉ: Đường Vòng Núi Sam, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, An Giang

Chùa Tây An Núi Sam (Tây An Cổ Tự) nằm ở ngã ba thuộc phường Núi Sam, cách trung tâm thành phố Châu Đốc khoảng 5km. Chùa nằm trong khuôn viên quần thể di tích nổi tiếng –  Khu du lịch núi Sam Châu Đốc với các địa danh: chùa Phước Điền (chùa Hang), lăng Thoại Ngọc Hầu, Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc.

Chùa Tây An Núi Sam đã được xếp hạng là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào ngày 10/07/1980. Sau đó, ngôi chùa này còn được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là Ngôi chùa kết hợp phong cách kiến trúc nghệ thuật Ấn Độ và kiến trúc cổ dân tộc đầu tiên tại Việt Nam. Hàng năm, vào ngày 12/8 âm lịch, rất nhiều khách thập phương và các tăng ni phật tử sẽ tụ họp về đây để dâng lễ và bái Phật.

Chùa Tây An Núi Sam (Tây An Cổ Tự) và lối kiến trúc độc đáo 2
Chùa Tây An Núi Sam (Tây An Cổ Tự) với lối thiết kế độc đáo, nổi bật, đan xen hài hòa giữa kiến trúc đền chùa truyền thống Việt Nam và một chút phong cách Ấn Độ mới mẻ

1.2 Ý nghĩa tên gọi Chùa Tây An Núi Sam (Tây An Cổ Tự)

Khi nhắc đến Chùa Tây An Núi Sam (Tây An Cổ Tự) thì có khá nhiều ý kiến khác nhau để giải thích cho cái tên Tây An. Theo một số người, tên này xuất phát từ việc chùa nằm ở phía Tây của An Giang. Trong khi đó, một số khác lại cho rằng, Tây An là kết hợp giữa các yếu tố tạo nên ngôi chùa như vật liệu từ Trấn Tây, Tây Thành và chùa nằm trên địa phận An Giang. Còn một vài ý kiến lại nghiêng về cách lý giải Tây An là mong cầu bình an cho miền Tây Nam của nước ta để người dân được an cư lạc nghiệp trên vùng sông nước này.

Chùa Tây An Núi Sam (Tây An Cổ Tự) và lối kiến trúc độc đáo 3
Có rất nhiều cách lý giải cho cái tên Tây An của ngôi chùa này

1.3 Lịch sử chùa Tây An

Theo thông tin sử sách ghi lại, chùa Tây An là do một vị quan dưới triều Nguyễn đời Minh Mạng, tên là Nguyễn Nhật An, xây dựng vào năm 1820. Tương truyền rằng trước đó, ông được triều đình phái đi Cao Miên. Trước chuyến đi, ông đã khấn nếu chuyến đi này thành công tốt đẹp thì khi về sẽ xây nên một ngôi chùa thờ Phật ở chân núi Sam. Mọi chuyện diễn ra đúng như ông mong đợi nên ông đã xây Chùa Tây An Núi Sam (Tây An Cổ Tự) rồi thỉnh vị hòa thượng đầu tiên, pháp hiệu là Hải Tịnh đến làm trụ trì.

Đến năm 1847, chùa Tây An thỉnh thêm một vị hòa thượng nữa, pháp danh là Pháp Tang. Ông là người có công khai khẩn đất hoang xung quanh vùng Thất Sơn Bảy Núi, giúp người dân sống ấm no, đủ đầy hơn. Về sau, khi Pháp đánh vào Việt Nam, nơi đây cũng trở thành căn cứ chống Pháp. Trụ trì Pháp Tang còn đào tạo rất nhiều đệ tử nổi tiếng như Trần Văn Thành, Tăng Chủ, Đình Tây, Đạo Xuyển… trở thành anh hùng chí sĩ yêu nước, lãnh đạo người dân chống Pháp. Bên cạnh việc tu hành, trụ trì Pháp Tang cũng là người có tài làm thuốc trị bệnh cứu người, giúp đỡ rất nhiều cho người dân nơi đây. Vì thế, khi ông qua đời đã được suy tôn là Phật thầy Tây An.

Kể từ thời Phật thầy Pháp Tang trụ trì cho đến nay, Chùa Tây An Núi Sam (Tây An Cổ Tự) đã qua 7 đời truyền thừa và nhiều lần tu sửa. Kiến trúc hiện nay hầu hết được tôn tạo từ năm 1958 dưới thời trụ trì của Hòa Thượng Bửu Thọ. Ông đã xây dựng thêm ba ngôi lầu cổ ở mặt tiền chùa, sửa sang lại chánh điện, trang trí thêm những đường nét kiến trúc phương Đông kết hợp với kiến trúc Ấn Độ rất ấn tượng. Từ năm 1993 đến nay, vì nhu cầu phục vụ du lịch tâm linh nên Thượng tọa trụ trì Thích Huệ Kỉnh cũng đã tiến hành trùng tu và xây mới thêm một số công trình. Từ đó, nhà chùa hi vọng mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách thập phương khi chọn đến hành hương tại Chùa Tây An Núi Sam (Tây An Cổ Tự). Đồng thời, ngôi chùa này cũng là một phần làm nên sức hút của Khu du lịch núi Sam Châu Đốc.

Chùa Tây An Núi Sam (Tây An Cổ Tự) và lối kiến trúc độc đáo 4
Kiến trúc rực rỡ với những đường nét cực kỳ tinh xảo, tỉ mỉ

2.1 Thiết kế tổng thể chùa Tây An

Đến với chùa Tây An, điều đầu tiên bạn ấn tượng chắc hẳn sẽ là diện tích vô cùng rộng lớn với hơn 15.000m2. Tổng thể Tây An Cổ Tự gợi lên cảm giác quen thuộc do xây dựng theo lối kiến trúc cổ xưa của vùng Nam Bộ. Bên cạnh đó, bạn vẫn sẽ nhận ra rất nhiều chi tiết độc đáo của Ấn Độ như trong những bộ phim mà chúng ta được xem về vùng đất là cái nôi của Phật giáo.

Toàn bộ Chùa Tây An Núi Sam (Tây An Cổ Tự) được xây dựng bằng gạch ngói và xi măng. Nhờ vậy, dù trải qua những biến đổi của thời gian và lịch sử, chùa vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp cổ kính nhưng không kém phần kiên cố. Phía sau chùa chính là ngọn núi Sam hùng vĩ như một bức bình phong làm điểm tựa cho ngôi chùa bền vững qua tháng năm. Điểm nhấn trong khuôn viên chùa sẽ là ba ngôi cổ lầu với phần nóc tròn như củ hành, sơn màu vàng sặc sỡ và nổi bật.

Giống như đa phần các ngôi chùa khác, bước vào Chùa Tây An Núi Sam (Tây An Cổ Tự) thì đầu tiên bạn sẽ gặp cổng tam quan. Cổng được chia làm ba cửa, phần cửa ở giữa là nơi thờ phụng tượng phật Quan Âm Thị Kính đang bồng trên tay con của Thị Mầu, còn hai bên đặt biển ghi tên Tây An cổ tự.

Khuôn viên bên ngoài chùa Tây An được thiết kế rất rộng rãi, thoáng mát, trồng nhiều cây xanh. Ngay sau cổng tam quan là một cột cờ cao đến 16m. Đặt bên cạnh là tượng  hai chú voi, một chú voi trắng 6 ngà và một chú voi đen 2 ngà. Theo quan niệm của Phật giáo, voi trắng là điềm lành, báo hạ sinh thái tử Sĩ Đạt Ta (chính là Đức Phật Thích Ca sau này). Còn voi đen là chú voi ngự, tên là Ô Long, có công giúp triều đình đánh thắng giặc ngoại xâm.

Ở bậc thang bước lên chùa, bạn sẽ thấy bạch tượng và hắc tượng được đắp nổi, ngồi bên trên mặt trăng lưỡi liềm. Hai bên là hai hành lang dành riêng cho tín đồ nam và nữ. Phía sau Chùa Tây An Núi Sam (Tây An Cổ Tự) xây dựng rất nhiều mộ tháp với kiến trúc độc đáo. Trong đó, được chú ý nhất phải kể đến khu mộ của ngài Minh Huyên, chính là Phật thầy Pháp Tang.

Chánh điện của chùa Tây An là một khu nhà rộng lớn, được xây dựng ở ngay chính giữa khuôn viên chùa. Ngôi chánh điện thiết kế quy mô với 2 tầng mái cong vút. Điểm đặc biệt là chùa Tây An lợp mái bằng ngói đại ống chứ không phải ngói vảy cá như những ngôi chùa ở miền Bắc. Toàn bộ cột chống được đục đẽo từ những thân gỗ chắc chắn, sàn nhà lát bằng gạch hoa. Hai bên khu vực chánh điện là khu lầu chiêng và khu lầu trống, thiết kế theo dạng hình tứ giác. Trên đỉnh chánh điện được chạm khắc hình ảnh tứ linh: long, lân, quy, phượng và trang trí vô cùng tinh xảo.

Chùa Tây An Núi Sam (Tây An Cổ Tự) theo phái Đại thừa, hiện nay đang lưu giữ hơn 11.270 bức tượng lớn nhỏ. Đa số những bức tượng này đều được làm bằng danh mộc, chạm trổ rất công phu, không chỉ thể hiện giá trị văn hóa mà còn lưu giữ nghệ thuật điêu khắc Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ 19.

Chùa Tây An Núi Sam (Tây An Cổ Tự) và lối kiến trúc độc đáo 5
Hai bức tượng voi đen và voi trắng ở cổng tam quan vào chùa

Chùa Tây An Núi Sam (Tây An Cổ Tự) và lối kiến trúc độc đáo 6
Chánh điện với những cột trụ khắc rất nhiều lời dạy của Đức Phật

Chùa Tây An Núi Sam (Tây An Cổ Tự) và lối kiến trúc độc đáo 7
Bàn thờ chánh điện quanh năm luôn được nhang khói đầy đủ

Chùa Tây An Núi Sam (Tây An Cổ Tự) và lối kiến trúc độc đáo 8
Chùa Tây An Núi Sam (Tây An Cổ Tự) là nơi lưu giữ hàng chục ngàn bức tượng tinh xảo

Trên đây là một số thông tin về Chùa Tây An Núi Sam (Tây An Cổ Tự) mà cẩm nang du lịch ILACA muốn giới thiệu đến bạn. Nếu bạn đang tìm điểm đến vãng cảnh tâm linh trong hành trình du lịch An Giang thì chùa Tây An chắc chắn sẽ là lựa chọn lý tưởng.

CÔNG TY TNHH & MTV ILACA.

Trụ sở: 08 Nguyễn Tri Phương, KP.1, P. Mỹ Bình, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận. 

MST/GPKD: 4500667920 

Số Điện Thoại: 0888246885 (Điều hành Tour) – 079 79 022 82 (Ms Hằng) 

Email: truyenthongcmc@gmail.com 

Website: https://ilaca.vn/ 

Zalo: 0888246685