Là một nền văn hóa mang đậm đà bản sắc dân tộc, nền văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm rất nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á. Nền văn hóa này được tạo bởi hệ thống những tầng văn hóa chìm, nổi trong và trên đất, hiện còn lưu giữ khá toàn vẹn. Tuy đã trải qua nhiều biến động của thời gian, nhưng người Chăm vẫn giữ được những giá trị văn hóa mà người xưa để lại. Hơn nữa, Đảng và Nhà nước ta cũng rất quan tâm đến việc bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc này.
Với số dân là 178.948 người, người Chăm sống dọc theo duyên hải miền Trung. Từ Quảng Bình đến Bình Thuận, nơi người Chăm cư trú trước đây đều để lại những dấu tích văn hóa.
Với nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo của văn hóa Chăm, cùng hệ thống kiến trúc đền tháp đang trở thành sản phẩm du lịch, thu hút nhiều du khách đến với các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Bình Định.
Trong đó, chủ yếu là những tháp cổ rêu phong như Lâm Ấp cổ thành tại Quảng Bình; tháp Bạc, tháp Bình Lâm, tháp Cánh Tiên và thành Chà Bàn, tháp Thủ Thiện, tháp Hưng Thạnh tại Bình Định; tháp Nhạn tại Phú Yên; tháp Po Nagar tại Khánh Hoà; cụm tháp Hòa Lai, tháp Po Klong Garai và tháp Po Rome tại Ninh Thuận; cụm tháp Po Dơm, tháp Phú Hài tại Bình Thuận…
Đặc biệt, tại Quảng Nam, có nhiều ngọn tháp đồ sộ và đa dạng nhất như khu di tích Mỹ Sơn, gồm 71 ngôi tháp, nay chỉ còn 21 tháp. Ngoài ra, còn có tháp Bằng An, tháp Chiên Đàn, tháp Khương Mỹ… Về kiến trúc, qua những di tích đền đài mà người Chăm theo đạo Bà la môn để lại, các nhà nghiên cứu đánh giá là người Chăm đã đạt tới trình độ cao về nghệ thuật kiến trúc. Các tháp Chăm được đánh giá ngang hàng với các di tích Angkor của Campuchia hay các đền tháp khác của Đông Nam Á.
Văn hóa vật thể của đồng bào dân tộc Chăm còn thể hiện qua các nghề thủ công như: Làm gốm, dệt vải, đóng thuyền, nghề kim hoàn… Hiện nay, đa phần đã thất truyền, chỉ còn gốm và dệt thổ cẩm là phát triển.
Hoa văn trong dệt thổ cẩm Chăm không chỉ mang tính trang trí, giá trị thẩm mỹ, còn phản chiếu đặc trưng sinh hoạt văn hóa, xã hội và tôn giáo Chăm. Thông qua hoa văn có thể phân biệt giới tính, giai cấp, địa vị xã hội, chức sắc tôn giáo.
Gốm của người Chăm hiện nay phát triển ở Bàu Trúc (Ninh Thuận). Một số thợ thủ công gốm đã chuyển sang sản xuất các sản phẩm văn hóa độc đáo như các tượng, tháp Chăm và các đồ dùng trang trí, mỹ thuật… để phục vụ du lịch. Bàu Trúc cũng là địa điểm du lịch văn hóa dân tộc Chăm của tỉnh Ninh Thuận, đã được Nhà nước ban hành những chính sách đầu tư để phát triển.
Người Chăm đã sáng tạo những giá trị âm nhạc, nghệ thuật dân tộc đặc sắc và vận dụng vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Với từng nhạc cụ, người Chăm lại tạo ra những giá trị văn hóa âm nhạc đặc trưng, độc đáo, không thể lẫn với các dân tộc khác như: Trống Ginăng, Paranưng, kèn Saranai, đàn Kanhi, Hagar (trống con), Chiêng, Asăng (tù và), Tăngek (nhạc gõ bằng 2 cây gỗ)… là những nhạc cụ điển hình của các dân tộc Chăm, những di sản văn hóa hết sức quý giá từ ngàn đời nay, trong đó bộ ba trống Paranưng, Ginăng và kèn Saranai không thể tách rời nhau trong các lễ hội.
Mỗi nhạc cụ như chiếc trống, chiếc kèn…. là thành tố quan trọng, được ví như những phần “hồn” của con người để tạo nên lễ hội Chăm. Nhạc cụ Chăm không chỉ là sản phẩm vật chất đơn thuần mà còn là phương tiện biểu diễn nghệ thuật mang lại biểu cảm thẩm mỹ trong đời sống tâm linh.
Theo quan niệm người Chăm, những người có tâm hồn thanh thản, trong sáng thì đánh trống mới nghe rộn ràng, hùng hồn, còn những người có bụng dạ hẹp hòi, ích kỷ thì tiếng trống khó đi vào lòng người được.
Về điêu khắc, Viện Bảo tàng Mỹ thuật Điêu khắc Chăm và khu di tích Mỹ Sơn chính là hai điểm thể hiện rõ nét nhất về sự tài tình trong nghệ thuật điêu khắc của người Chăm. Các tác phẩm điêu khắc được thể hiện trên đá mà không khô cứng, trái lại rất sinh động, đường nét điêu khắc tinh vi, sắc sảo. Mỗi tác phẩm có một vẻ đẹp khác nhau thể hiện được bản sắc dân tộc và tài năng của người nghệ sĩ.
Đi đôi với điêu khắc là hội họa. Hội họa chính là bước phác thảo, định hướng và gợi cảm hứng cho điêu khắc. Căn cứ vào những mô típ điêu khắc, các nhà nghiên cứu cho biết, nền hội hoạ của người Chăm trước đây phát triển khá cao.
Tiêu biểu và đặc sắc nhất trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Chăm là lễ hội Katê. Đây là lễ hội của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn ở tỉnh Bình Thuận, được phục dựng từ năm 2005 tại Di tích cấp quốc gia Pô Sha Inư với đầy đủ các nghi thức và các giá trị văn hóa dân gian truyền thống đặc sắc vốn có trong lịch sử, mang đậm yếu tố tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào Chăm.
Lễ hội mang ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; cầu mong cho sự hòa hợp lứa đôi, sự sinh sôi nảy nở của con người. Văn hóa dân tộc Chăm cuốn hút khách phương xa bởi những nét đặc sắc và những đặc trưng riêng, qua những triết lý sâu sắc và mang nhiều ý nghĩa.
Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY TNHH MTV ILACA
Trụ sở: 08 Nguyễn Tri Phương, K.K1, P. Mỹ Bình, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận.
Số Điện Thoại: 19008991 – 0888.246.685 (Điều hành Tour)
Email: infoilacatravel@gmail.com
Website: https://ilaca.vn/
Zalo:0888.246.685 (ILACA)